Là một trong những quốc gia có nền giáo dục được nhiều sinh viên quốc tế “chọn mặt gửi vàng”, nếu bạn đang có ý định học tập tại Mỹ thì hãy tìm hiểu ngay các điều kiện du học Mỹ 2020 để có sự chuẩn bị tốt nhất nhé.
ĐỘ TUỔI
Hiện nay trong điều kiện du học Mỹ 2020 chưa đưa ra giới hạn nào về độ tuổi của du học sinh. Do đó, chỉ cần bạn được nhận vào một cơ sở giáo dục được chứng nhận ở nước này là có thể xin visa và nhập học. Điều này áp dụng cho tất cả các bậc học từ bậc Tiểu học cho đến sau Đại học.
BẠN PHẢI CÓ THƯ MỜI NHẬP HỌC I-20 TỪ CÁC TRƯỜNG CỦA MỸ
I-20 là thư nhập học, hay còn được hiểu đó là giấy báo trúng tuyển vào trường mà bạn đã nộp đơn để xin du học. Để có thể nhận được thư mời từ các trường của Mỹ, các bạn phải đáp ứng được những tiêu chuẩn tuyển sinh riêng của từng trường. Đối với khối du học trung học ngoài xét duyệt học bạ, chứng chỉ tiếng anh, các hoạt động ngoại khoá ở nước sở tại… bạn sẽ còn phỏng vấn trực tiếp với đại diện trường trước khi được quyết định có nhận I-20 hay không.
Tuy nhiên để xin được cấp I-20 tại các trường hàng đầu Hoa Kỳ sẽ không quá khó khăn. Theo kinh nghiệm của người viết, ngoài các hồ sơ đã đạt tiêu chuẩn thì vòng phỏng vấn sẽ là yếu tố quyết định được cấp thư nhập học I-20. Chính vì vậy các em cần phải chuẩn bị đầy đủ thông tin và một tâm lí vững vàng, tự tin để vượt qua vòng đánh giá năng lực của đại diện trường.
I-20 sẽ là một trong những yếu tố mang lại cho bạn tấm vé thông hành sang Mỹ. Bên cạnh Visa, thì đây là một giấy quan trọng, đảm bảo cho việc nhập học của bạn ở Mỹ. Bạn nhớ lưu ý là phải ký tên trước khi nộp I-20 vào Lãnh sự quán để làm thủ tục xin Visa, chữ ký của bạn có ý nghĩa như chấp nhận những yêu cầu và luật lệ của trường bạn xin học và đồng thời cũng là sự cho phép trường đó cung cấp các thông tin cần thiết của bạn cho sở di trú.
ĐIỀU KIỆN HỌC TẬP DU HỌC MỸ
Bạn phải đạt được những chứng chỉ cần thiết về tiếng Anh
Tùy vào những trường khác nhau mà có yêu cầu khác nhau, thường TOEFL IBT (thi trên internet) yêu cầu khoảng 70-80 điểm là có thể yên tâm hay đối với TOEFL PBT (thi trên giấy) thì các trường đại học đều yêu cầu thang điểm từ 500 đến 550. Còn chương trình cao học thì mức điểm thường là từ 550 đến 600 Hiện có nhiều trường đại học ở Mỹ công nhận điểm IELTS, bạn cần có điểm IELTS 6.0 để học đại học và IELTS 6.5 để học thạc sỹ. Một số trường cũng chấp nhận bạn nếu bạn vẫn chưa lấy bằng tuy nhiên nó yêu cầu bạn phải tham gia vào kỳ thi tiếng anh đầu vào của trường hoặc tham gia khóa học tiếng anh do trường tổ chức.
Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của từng trường và từng khóa học mà các sinh viên có thể phải đáp ứng được điểm SAT, GRE, GMAT
Bạn phải hoàn thành các kì thi chuẩn của trường yêu cầu
Đối với khối trung học phổ thông, các em không cần phải thi tuyển đầu vào. Thường thì ở những trường phổ thông này chỉ yêu cầu điểm GPA của các ( GPA>8.0 là khá ổn) và điểm số cao ở các bài test tiếng anh như TOEFL, EILTS,.. cũng sẽ là lợi thế
Đối với các chương trình đại học, cao học thì có những kì thi cơ bản sau:
– GRE: Graduate Record Examination General Test (Bài Thi GRE Chung) điểm thi GRE là yêu cầu của các chương trình cao học không phải kinh doanh. Bài thi này bao gồm 3 phần: Toán, đọc hiểu và phân tích logic. Điểm thi này đặc biệt quan trọng nếu như bạn có kế hoạch xin học bổng.
– GRE: Graduate Record Examination Subject Test (Bài Thi GRE Theo Chuyên Ngành) Chỉ có một vài chương trình cao học yêu cầu sinh viên phải thi bài thi này và thường chỉ trong chuyên ngành chính của sinh viên. Bài thi có cho 16 ngành khác nhau.
– SAT I: Reasoning test (Bài Thi Chung) Nhiều trường đại học ở Mỹ yêu cầu điểm thi này đối với cả sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế. Bài thi này gồm phần thi toán và đọc hiểu.
– SAT II: Subject Test (Bài Thi Theo Môn) Sinh viên có thể chọn 1, 2 hoặc 3 môn trong 20 môn khác nhau. Chỉ một số ít trường đại học yêu cầu sinh viên nước ngoài phải thi bài này.
– TOEFL (Test English As a Foreign Language): bài kiểm tra tiếng Anh bắt buộc dành cho những sinh viên mà ngôn ngữ thứ nhất không phải là tiếng Anh, áp dụng cho cả sinh viên đại học và cao học. Chương trình kiểm tra áp dụng cho tất cả các kỹ năng: nghe, ngữ pháp, đọc hiểu, viết và từ vựng.
– GMAT: Graduate Management Admission Test. Hầu hết các chương trình đào tạo thạc sỹ hay tiến sỹ ngành kinh tế đều yêu cầu điểm thi bài này đối với cả sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế. Bài thi này kiểm tra kỹ năng đọc hiểu, toán và phân tích, suy luận. Vì ở bậc Đại Học sẽ có những yêu cầu cao hơn đối với sinh viên cả về ngoại ngữ lẫn tư duy vì họ muốn đảm bảo rằng bạn có thể tiếp thu những kiến thức trên giảng đường.
ĐIỀU KIỆN TÀI CHÍNH
Mỹ là đất nước yêu cầu chứng minh tài chính du học vô cùng nghiêm ngặt. Dù phía Mỹ không nêu một con số cụ thể rằng bạn phải có bao nhiêu tiền để đủ điều kiện xin visa du học Mỹ thành công nhưng Form I-20 do nhà trường cung cấp tới du học sinh nhập học thành công sẽ yêu cầu bạn nộp xác nhận số dư ngân hàng, trong đó thể hiện chi phí du học sinh phải chi trả trong năm học đầu tiên.
Đây chính là bằng chứng để chứng minh tài chính, rằng gia đình bạn có đủ điều kiện để trang trải cho việc học của bạn trong năm đầu ở Mỹ. Con số này nên ở mức từ $30,000 đến $45,000 USD.
Tuy nhiên, chỉ cung cấp số tiền đủ để chi trả chi phí ở Mỹ là chưa đủ để chứng minh tài chính du học Mỹ. Nhiều du học sinh Mỹ cho thấy số dư trong tài khoản ngân hàng của bạn càng cao thì tỉ lệ chứng minh tài chính thành công càng lớn, chứng tỏ rằng gia đình đủ sức trang trải cho việc du học Mỹ của bạn. Kinh nghiệm là số tiền được ghi trong Form I-20 nên là tiền học của bạn x 1.5 lần.
Ví dụ: nếu chi phí năm đầu của bạn là $20,000 USD thì khi chứng minh tài chính, bạn cần trình ra là mình có từ $30,000 – $35,000 USD để tăng cơ hội nhận visa du học Mỹ thành công.
ĐIỀU KIỆN LÀM HỒ SƠ DU HỌC MỸ
Hồ sơ du học Mỹ có thể chia làm hai phần. Đó là hồ sơ để nhập học vào một cơ sở giáo dục tại Mỹ và hồ sơ xin visa du học Mỹ.
ĐIỀU KIỆN LÀM HỒ SƠ NHẬP HỌC
Sau khi đáp ứng được điểm GPA và điều kiện tiếng Anh như nhà trường yêu cầu, du học sinh cần chuẩn bị những tài liệu sau để nộp đơn xin học:
– Đơn xin học (theo mẫu đơn của nhà trường bạn xin học).
– Bản sao hộ chiếu.
– Học bạ, bảng điểm được dịch sang tiếng Anh.
– Chứng chỉ tiếng Anh.
– Chứng chỉ SAT, GRE, GMAT, IETLS, TOEFL… (nếu có).
– Bằng tốt nghiệp chương trình học gần nhất.
– Giấy xác nhận, thẻ sinh viên cho người còn đang đi học.
– Thư giới thiệu: được viết bởi người giáo viên, người từng làm việc với du học sinh nhằm chứng minh bạn có đủ điều kiện và khả năng du học Mỹ, đây là điều kiện bắt buộc cho ai có ý định du học chương trình Đại học, Cao đẳng.
– Bài luận của du học sinh, trong đó thể hiện quan điểm về một vấn đề nào đó nhằm bộc lộ cá tính bản thân và thể hiện khả năng ngoại ngữ.
– Phí xin học: từ $35 – $100 USD
Sau khi nộp đơn và được nhà trường chấp thuận, văn phòng trường sẽ gửi lại cho bạn Form I-20 dùng trong việc chi trả các lệ phí, làm thủ tục xin visa du học Mỹ và nhập cảnh vào nước Mỹ.
ĐIỀU KIỆN LÀM VISA DU HỌC MỸ
Du học sinh cần có visa F-1 để nhập cảnh thành công du học Mỹ. Các bước để làm visa du học gồm:
Chuẩn bị giấy tờ
Du học sinh cần chuẩn bị những tài liệu sau:
– Tài liệu học tập: bằng, học bạ, bảng điểm, chứng chỉ ngoại ngữ (IETLS, TOELF…)
– Giấy tờ nhân thân: hộ chiếu, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, ảnh 5cmx5cm chụp trong vòng 6 tháng ( nền trắng, không để tóc che tai, không đeo kính), giấy đăng ký kết hôn của phụ huynh
– Giấy tờ chứng minh tài chính: tất cả các giấy tờ chứng minh khả năng chi trả học phí, sinh hoạt phí trong 1 năm đầu tiên và bằng chứng tài chính cho các năm còn lại và các giấy tờ chứng minh tài chính được yêu cầu
Các bước xin visa du học Mỹ
Bước 1: Sau khi được nhà trường chấp nhận nhập học, Nhà trường gửi cho bạn Form I-20 dành cho sinh viên không định cư sau khi đã chấp thuận đơn xin nhập học. Du học sinh kí vào mẫu đơn này, sau đó đóng lệ phí SEVIS $350 và điền thêm đơn xin thị thực không định cư Mỹ (Form DS – 160).
Bước 2: Đóng phí xin visa bằng cách tạo tài khoản trên trang nhận đơn online của lãnh sự quán Mỹ. Lệ phí xin visa du học Mỹ có giá $160 USD nhưng bạn sẽ thanh toán bằng tiền Việt (tỷ giá theo ngân hàng HSBC ở thời điểm hiện tại)
Giữ lại phiếu biên nhận sau khi đóng tiền rồi lên lịch phỏng vấn online qua trang web: https://cgifederal.secure.force.com/?language=English&country=Vietnam
Bạn cần điền các thông tin như:
– Số hộ chiếu
– Mã số từ hoá đơn biên nhận thanh toán phí visa
– Mã số 10 số từ trang xác nhận Form DS-160
Bước 3: Đi phỏng vấn xin visa du học Mỹ
Vào ngày hẹn, bạn tới Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Mỹ để phỏng vấn. Mang những giấy tờ bắt buộc gồm giấy hẹn, đơn DS-160, ảnh thẻ chụp trong 6 tháng gần nhất, hộ chiếu hiện tại cùng hộ chiếu cũ và hoá đơn biên nhận thanh toán visa. Ngoài ra, du học sinh chuẩn bị thêm các giấy tờ chứng minh mình sẽ về nước sau thời gian học, tài liệu học tập và tài liệu chứng minh tài chính.
Trong quá trình phỏng vấn, nhân viên Lãnh sự sẽ hỏi bạn về chương trình học bên Mỹ, mục tiêu học tập và dự định tương lai. Bạn cần thuyết phục họ rằng mình có lộ trình du học Mỹ rõ ràng và sẽ về nước sau khi kết thúc chương trình học.
Thủ tục xử lý visa du học Mỹ kéo dài trong 60 ngày hoặc hơn. Từ khi đặt lịch phỏng vấn đến ngày phỏng vấn mất 9 ngày (nếu nộp đơn ở Hà Nội) và 4 ngày (nếu nộp đơn ở TPHCM).
Trên đây là những điều kiện du học Mỹ cần thiết trong năm 2020. Du học Mỹ là một quá trình đầu tư lâu dài, đòi hỏi du học sinh có sự chuẩn bị kĩ lưỡng để không vi phạm những nguyên tắc của nước sở tại, thành công tiến bước vào ngôi trường mong ước.