Cùng thuộc một lĩnh vực nghiên cứu nhưng mỗi ngành lại tập trung vào các khía cạnh cụ thể.
Đối với người ngoại đạo, khoa học máy tính (computer science) và công nghệ thông tin (information technology) có vẻ không khác nhau nhiều. Trên thực tế, có ba lĩnh vực quan trọng liên quan đến việc nghiên cứu máy tính được giảng dạy ở cấp đại học là kỹ thuật máy tính (computer engineering), công nghệ thông tin (information technology) và khoa học máy tính (computer science).
Đây là các chuyên ngành trong cùng một lĩnh vực nghiên cứu. Tuy nhiên, mỗi chuyên ngành tập trung vào các khía cạnh cụ thể của lĩnh vực và nghề nghiệp trong ba chuyên ngành này cũng phân hóa rõ rệt.
Mentor Trần Quốc Tuấn – Đại học trực tuyến FUNiX sẽ đưa ra các thông tin để phân biệt hai chuyên ngành phổ biến được giảng dạy tại đại học là khoa học máy tính và công nghệ thông tin cũng như cơ hội nghề nghiệp của từng lĩnh vực.
Khoa học máy tính (Computer science)
Người nghiên cứu khoa học máy tính là các nhà khoa học. Họ tập trung vào lý thuyết ứng dụng tính toán. Điều đó có nghĩa là họ trả lời được câu hỏi “vì sao” đằng sau các chương trình máy tính. Sử dụng thuật toán, cấu trúc dữ liệu và toán cao cấp, các nhà khoa học máy tính phát minh ra những cách thức mới để thao tác và truyền tải thông tin. Họ thường quan tâm đến phần mềm, hệ điều hành và việc triển khai.
Các nhà khoa học máy tính có thể thấy và hiểu được mã máy. Sinh viên ngành khoa học máy tính sẽ học nguyên tắc cơ bản của các ngôn ngữ lập trình khác nhau, đại số tuyến tính và rời rạc, thiết kế và phát triển phần mềm.
Tóm lại, các nhà khoa học máy tính có thể nói chuyện với máy tính. Chuyên ngành này dựa trên toán học – ngôn ngữ của máy tính. Những người theo đuổi ngành này sẽ hiểu tại sao máy tính hoạt động và có thể tạo ra một chương trình hoặc hệ điều hành với những tính năng như ý muốn.
Nghề nghiệp trong ngành khoa học máy tính
Khoa học máy tính là một chuyên ngành phát triển nhanh chóng và được kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội việc làm với mức lương cao. Nếu bạn đang theo đuổi một bằng khoa học máy tính, dưới đây là một số công việc tiềm năng:
– Lập trình viên phát triển ứng dụng (Applications software developer): Áp dụng tư duy sáng tạo vào các ứng dụng và chương trình, nhà phát triển phần mềm thiết kế và xây dựng các chương trình, ứng dụng cho máy tính và thiết bị công nghệ. Ví dụ, Angry Birds hay Microsoft Office đều do các nhà phát triển phần mềm làm ra.
– Kỹ sư hệ thống (Systems engineer): Các kỹ sư hệ thống thiết kế và tạo ra các loại hệ thống này để sử dụng cho máy tính cá nhân, điện thoại và thậm chí cả xe hơi. Hệ điều hành cung cấp nền tảng cho máy tính và thiết bị hoạt động. Microsoft Windows, Linux và iOS là các ví dụ về các loại hệ điều hành.
– Phát triển web (Web developer): Các nhà phát triển web không phải là nhà thiết kế đồ họa. Các nhà thiết kế đồ họa tạo ra những hình ảnh bạn thấy trên các trang web; nhà phát triển web lập trình mã tạo nên chức năng trang web. Các nhà phát triển web tích hợp đồ họa, âm thanh và video vào trang web và theo dõi lưu lượng truy cập, hiệu suất cũng như khả năng của trang web.
Công nghệ thông tin (Information technology)
Công nghệ thông tin cũng có thể gọi là hệ thống thông tin (information systems) hoặc quản lý hệ thống (systems administration). Về cơ bản, các chuyên gia công nghệ thông tin là những người sử dụng công nghệ. Công nghệ thông tin sử dụng các hệ điều hành, phần mềm và ứng dụng có cùng nhau để tạo ra một hệ thống lớn hơn giải quyết một vấn đề cụ thể. Công nghệ thông tin xây dựng một mạng lưới từ các khối đã được thiết lập để thực hiện một nhiệm vụ, như dịch vụ đặt hàng nguồn cung cấp tự động.
Do tính chất của công việc, các chuyên gia công nghệ thông tin có xu hướng tương tác với khách hàng và đồng nghiệp bên ngoài phòng ban của họ. Họ có thể giải thích cho khách hàng cách giải quyết các vấn đề công nghệ hoặc làm việc với chủ doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch công nghệ đáp ứng nhu cầu kinh doanh của họ.
Sinh viên công nghệ thông tin sẽ nghiên cứu mạng và thiết kế cơ sở dữ liệu theo chiều sâu, và thu nhận các lý thuyết toán cơ bản và toán cao cấp.
Nghề nghiệp trong ngành công nghệ thông tin
Ở mọi cấp độ, từ các cửa hàng theo chuỗi đến các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp đều cần công nghệ thông tin. Trong thập kỷ tới, cơ hội nghề nghiệp trong ngành này được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình. Tùy thuộc vào trình độ học vấn của bạn, bằng cấp về công nghệ thông tin có thể đem đến một thu nhập vừa ý. Dưới đây là một số vị trí phổ biến:
– Nhà phân tích bảo mật thông tin (Information security analyst): Họ làm việc để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng bằng cách theo dõi mạng lưới kinh doanh để tìm ra vi phạm, các điểm yếu và tạo ra kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp bị tấn công.
– Chuyên gia hỗ trợ máy tính (Computer support specialist): Họ cung cấp lời khuyên và trợ giúp khắc phục sự cố cho cá nhân và doanh nghiệp có câu hỏi về phần mềm của họ.
– Quản trị viên cơ sở dữ liệu (Database administrator): Họ sử dụng phần mềm và các chương trình để tổ chức và lưu trữ thông tin cho mọi doanh nghiệp từ doanh nghiệp tài chính đến các công ty vận chuyển.
– Quản trị viên hệ thống (Systems administrator): Họ thực hiện việc bảo trì và vận hành hàng ngày của mạng doanh nghiệp, gồm mạng LAN, WAN, mạng nội bộ và các hệ thống liên lạc khác.
Các nhà khoa học máy tính thiết kế và phát triển chương trình máy tính, phần mềm và ứng dụng. Các chuyên gia công nghệ thông tin sử dụng và khắc phục sự cố các chương trình, phần mềm và ứng dụng đó. Hai ngành nghề này làm việc cùng nhau để đảm bảo phần cứng, phần mềm và giao diện người dùng (UI) kết hợp thuận lợi để các máy tính có thể thực hiện nhiệm vụ mà doanh nghiệp và cá nhân yêu cầu.
Thạc sĩ Khoa học máy tính Trần Quốc Tuấn