Việc sắp xếp toàn bộ “cuộc sống” của bạn đầy đủ và gọn gàng trước khi bay sang Vương quốc Anh là thử thách đầu tiên cho du học sinh. Du học không cho phép bạn về thăm nhà nhiều lần, do vậy, trước khi bắt đầu hành trình, hãy lưu ý thật kỹ về đồ đạc mang sang để đảm bảo một quá trình học tập suôn sẻ nơi xứ người. Trong bài viết này, Việt Dương sẽ cho bạn những lưu ý và mẹo vặt hữu ích nhất cho quá trình chuẩn bị vali du học Anh.
Vật bất ly thân: các tài liệu cần thiết
Giấy tờ là hành trang cần được chuẩn bị đầy đủ và bảo quản cẩn thận cho hành trình du học. Các giấy tờ và tài liệu quan trọng bạn cần mang khi du học Anh (đều đã dịch công chứng sang tiếng Anh) bao gồm:
- Thư mời nhập học CAS (Confirm of Acceptance for Studies), thư mời vô điều kiện (Unconditional offer letter), chứng chỉ ATAS và biên lai thu tiền học phí từ trường đại học
- Hộ chiếu, visa, thư chứng minh khi được cấp visa và bản in vé máy bay.
- Giấy khám sức khỏe bao gồm chứng nhận kiểm tra lao phổi, chứng nhận tiêm vacxin viêm màng não C, sởi, quai bị và rubella.
- Tài liệu chứng minh tài chính
- Chứng chỉ ngoại ngữ, bằng cấp học thuật gần nhất
- Thông tin cá nhân bao gồm: CV, số điện thoại, email, địa chỉ và thông tin người bảo hộ của bạn ở cả Việt Nam và Anh. Bạn nên ghi danh sách 2 thông tin liên lạc trở lên để đảm bảo kịp thời liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
- Các giấy tờ cá nhân như bằng lái xe, giấy khai sinh
- Ảnh 3×4 và 4×6 (chuẩn bị từ 4 ảnh trở lên cho mỗi loại để làm thủ tục liên quan khi sang Anh)
- Địa chỉ nhà ở tại Anh, bản đồ nước Anh hoặc thành phố bạn sinh sống
Các tài liệu giấy tờ nên được photo thành ít nhất 2 bản và để riêng vào các ngăn hồ sơ – đề phòng trường hợp bị thất lạc có thể kịp thời ứng phó. Bạn nên để các tài liệu này trong một túi đựng riêng và mang theo bên người hoặc hành lý xách tay để vừa tiện trình báo hải quan khi ra sân bay cũng như tránh bị thất lạc. Và nhớ đừng quên ghi rõ thông tin cá nhân của mình trên mỗi tài liệu và túi đựng tài liệu chi tiết, rõ ràng với họ tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc.
Tiền mặt: không mang theo quá nhiều!
Để an toàn, bạn chỉ nên cầm không quá 500 bảng Anh cho tiền đi lại và ăn uống những ngày đầu – phòng trường hợp bạn chưa thể rút được từ thẻ ngân hàng quốc tế. Bạn có thể đổi thành các loại tiền lẻ (£5, £10, £20 và một ít xu để phòng uống nước, ăn vặt…). Trường hợp bạn mang từ 7500 bảng Anh trở lên (hoặc số tiền tương đương bằng một loại tiền khác bao gồm tiền mặt, séc du lịch và séc ngân hàng) thì bạn cần khai báo ở hải quan. Nếu không khai báo, bạn sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 5000 bảng Anh. Hãy luôn giữ tiền, thông tin tài khoản ngân hàng và thẻ ngân hàng cẩn thận. Nếu mang theo tiền mặt, bạn có thể chia tiền để nhiều chỗ khác nhau để giảm thiểu rủi ro.
Thời gian mở thẻ ngân hàng ở Anh là gần 3 tuần. Bạn nên lưu ý về thời gian chuyển tiền từ Việt Nam tới Anh là bao lâu để tránh phải dùng thẻ ghi nợ hay thẻ tín dụng của ngân hàng Việt Nam (credit/debit/visa/master card) – bởi điều này sẽ ngốn của bạn rất nhiều khoản phí, cụ thể ở đây là phí giao dịch quốc tế và phí chuyển đổi ngoại tệ.
Trước khi sang Anh, bạn cũng có thể mở một thẻ thanh toán quốc tế tại Việt Nam do ngân hàng Việt Nam phát hành như Techcombank, Vietcombank, BIDV… (có thể chọn thẻ visa debit) và đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến (Internet banking). Thẻ này sẽ giúp bạn trả tiền khi mua đồ online ở Anh, phòng trường hợp bạn chưa có thẻ ngân hàng của Anh.
Quần áo và các phụ kiện “thân thiện với thời tiết”
Bạn nên hiểu rõ về khí hậu thời tiết tại Anh, đặc biệt tại nơi bạn sinh sống để chuẩn bị quần áo phù hợp (tham khảo bài viết về thời tiết tại Vương quốc Anh).
Đừng quên theo dõi dự báo thời tiết nơi bạn sẽ đặt chân đến những ngày đầu du học nhé! Xứ sở sương mù nổi tiếng với thời tiết lạnh (mùa hè ở đây không quá nóng – không quá 21 độ C), do đó quần áo ấm, khăn, găng tay, giày (có khả năng chống nước vì ở đây mưa và sương nhiều), ô là những vật dụng không thể thiếu.
Thêm nữa, bạn có thể hỏi thăm các du học sinh tại Vương quốc Anh hoặc tìm hiểu thêm về các địa chỉ mua sắm tin cậy, các hình thức giảm giá quen thuộc cho sinh viên để tận dụng những chương trình khuyến mại hấp dẫn. Anh quốc được mệnh danh là thiên đường mua sắm cùng rất nhiều đồ chất lượng và thậm chí còn rẻ hơn mua ở Việt Nam, vì vậy, bạn có thể sắm đồ tại đây mà không cần lỉnh kỉnh mang vác quá nhiều đồ từ Việt Nam sang. Lưu ý: các du học sinh thường mang từ Việt Nam áo dài truyền thống và áo vest để diện trong những sự kiện trọng đại.
Sách vở và các đồ dùng học tập cũng quan trọng lắm nhé!
- Máy tính xách tay là vật bất ly thân đối với sinh viên, đặc biệt với du học sinh bởi cách học phương Tây chuộng ghi chép và lưu trữ trên máy tính. Các tài liệu nghiên cứu, bài tập nhóm, thuyết trình đều cần tới máy tính. Vì vậy, hãy chọn cho mình chiếc máy tính xịn với các chức năng đa dạng và hiện đại để quá trình học tập diễn ra thuận tiện và suôn sẻ. Việc học của bạn sẽ vô cùng khó khăn nếu không có chiếc máy tính xách tay ổn định. Bạn cũng đừng quên mang sạc 3 chạc để cắm điện cho máy tính vì ở Anh chỉ dùng sạc 3 chạc. Bên cạnh đó, cũng có nhiều du học sinh chọn sang Anh để mua máy tính những ngày đầu du học.
- Các đồ dùng học tập như kẹp giấy (cái này vô cùng thuận tiện và hữu dụng bởi bạn sẽ cần dùng để giữ các note giáo sư phát), bút chì, bút bi, ruột bút, tẩy, bút xóa, highlighter… có thể mang từ Việt Nam cho tiện hoặc bạn cũng có thể tìm ở các cửa hàng đồng giá ở Anh.
- Sách vở: các trường đại học ở Anh sẽ tạo tài khoản thư viện cho sinh viên để tiếp cận với các bài báo khoa học và các đầu sách trực tuyến. Vì vậy, bạn không cần mang quá nhiều sách từ Việt Nam, bạn có thể chỉ cần mang một vài đầu sách chuyên ngành bằng tiếng Việt mà bạn nghĩ là sẽ hữu ích cho việc học.
Một số lưu ý về thực phẩm và thuốc
- Thủ tục hải quan sang Anh khá nghiêm khắc và có nhiều quy định phức tạp về thực phẩm nhập cảnh, trong đó các thực phẩm không được phép mang bao gồm: thịt và những sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những quốc gia không nằm trong khối Liên minh Châu Âu, thức ăn có nguồn gốc từ động thực vật quý hiếm.
- Bạn có thể mang theo một vài đồ dự trữ như lương khô, mì ăn liền… để ăn trong quá trình chuyển tiếp chuyến bay và đề phòng những ngày đầu không quen với thức ăn tại Anh. Tuy nhiên, chỉ nên mang theo đồ khô và không mang những thực phẩm có mùi thịt, cá để tránh gặp rắc rối trong quá trình nhập cảnh.
- Các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc đau bụng, thuốc dị ứng, thuốc đau đầu, men tiêu hóa… nên được chuẩn bị kỹ lưỡng đi kèm với kê đơn của bác sĩ. Sẽ rất bất tiện khi bạn mắc bệnh tại Anh, bởi việc đặt lịch với bác sĩ có thể tốn một khoảng thời gian và chi phí thuốc thang cũng khá đắt đỏ.
Và tất nhiên, bạn tuyệt đối không nên mang những món đồ dưới đây…
- Các đồ dùng bị cấm mang theo bao gồm: dao bấm nhọn, bình xịt tự vệ như khí cay, hàng lậu vi phạm bản quyền, chất kích thích bị cấm, văn hóa phẩm đồi trụy, vũ khí tấn công (dao/kiếm với lưỡi nhọn dài quá 50cm), máy phát tín hiệu truyền thông.
- Đối với hành lý xách tay, bạn không được mang đồ dùng chứa chất lỏng dung tích lớn hơn 100ml, pin sạc, các đồ sắc nhọn.